20/4/16

Thực trạng lãng phí nhà tái định cư nở rộ

Trước đây, thành phố ồ ạt xây dựng khu tái định cư (TĐC) ở những khu vực ngoài trung tâm nhằm bố trí an cư cho những hộ dân bị giải tỏa của các dự án. Thế nhưng, hiện nay tình trạng nhà TĐC bỏ trống đang đặt ra nhiều câu hỏi, liệu giải pháp TĐC như thế có còn hiệu quả và phù hợp với thực tế hay không?
can-ho-tai-dinh-cu-tphcm

Nhà cũ: Dân chê

“Xa xôi”, “hoang vắng”, “thiết kế lạc hậu” là những cụm từ khá chính xác để mô tả về khu TĐC Vĩnh Lộc B, thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Cách trung tâm thành phố khoảng 20km, nằm dọc theo tỉnh lộ 10 đi huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, khu TĐC Vĩnh Lộc B hoành tráng với 45 lốc chung cư, cao 5 tầng, tổng cộng 1.939 căn hộ, 529 nền đất, trên diện tích khuôn viên 30,8ha.

Quy mô bề thế là vậy nhưng tính đến nay chỉ có 306 căn hộ và 222 nền đất có người “ở thật”. Vì sao gọi là “ở thật”? Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM tại một cuộc họp cách đây chưa lâu cho thấy: Thành phố bố trí điều chuyển 1.705 căn, số còn lại là nguồn dự phòng, Sở Xây dựng đang tiếp tục rà soát bố trí tiếp cho giai đoạn từ 2016-2020 theo các chương trình trọng điểm của thành phố. Điều này có thể hiểu, trên sổ sách, việc người dân TĐC tại chung cư này chỉ là số ảo. 

Nhìn chung, người dân ít chọn khu TĐC này vì nhiều nguyên nhân. Nhận diện đầu tiên, vì hẻo lánh, hạ tầng thiếu thốn. Vấn đề thứ hai, mặc dù xa xôi là vậy nhưng lại “dồn dân” của 10 quận, huyện, từ trung tâm cho đến ngoại thành (các quận 1, 6, 8, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp và huyện Bình Chánh). Vì cách làm tréo ngoe như vậy nên ít cư dân chịu ở, như trường hợp 24 hộ dân của quận 1, mặc dù đã bàn giao nhưng tính đến nay chỉ có 3 hộ an cư. Kế tiếp, chung cư xây dựng 5 tầng không có thang máy, việc đi lại bằng thang bộ gây khó khăn cho người lớn tuổi, bệnh tật hoặc phụ nữ có thai… 

Mới đây, ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, đã xin thành phố cho phép hoán đổi 12 hộ từ tầng 4, tầng 5 xuống tầng 1, để hỗ trợ người dân nhằm nhanh chóng di dời vào đây. Một vấn đề khác, quỹ nhà bị bỏ trống quá nhiều, xuống cấp nhanh chóng, thành phố đang cấp bách giao cho các ban ngành liên quan nghiên cứu cơ chế dùng tiền ngân sách sửa chữa, sau này sẽ tính lại. Rồi cư dân ở quá ít nên không đủ kinh phí vận hành tòa nhà, cũng phải xin ngân sách! Với những khiếm khuyết đang tồn tại, thành phố gần như bị “sa lầy” tại khu TĐC này, trong việc sửa chữa hư hỏng - lấp đầy dân cư - kinh phí vận hành…

Khu TĐC Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) với 9 lô chung cư, bắt đầu đón cư dân đầu tiên vào năm 2007, nhô lên cao nhất là chung cư 15 tầng, còn lại là chung cư 5 tầng bao bọc san sát nhau, chủ yếu phục vụ TĐC cho dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khu dân cư khá sung túc nhưng việc đi lại trở thành nỗi lo canh cánh. Mỗi khi qua lại người dân phải băng đường Đồng Văn Cống, đây là con đường khủng khiếp thuộc loại nhất nhì của thành phố, lúc nào xe container cũng nối đuôi nhau chạy rần rần lên xuống cảng Cát Lái, rất nguy hiểm! Đây là một trong những nguyên nhân vì sao sau gần 10 năm bố trí cư dân vào ở, hiện nay vẫn còn bỏ trống 59 căn. Cụ thể, 21 căn nhà một trệt một lầu sát vách nhau, mặt tiền đường Đồng Văn Cống không một dấu người ở. Nguyên nhân: “Nằm sát mặt đường nên bất tiện lắm, xe chạy ầm ầm, không ở được”, một cán bộ trong ban quản lý chung cư cho biết. 34 căn nhà phố nằm ở mặt tiền đường nối với đường Vành đai 2 cũng rơi vào cảnh tương tự. Không có người ở, sơn phết loang lổ, dây leo phủ mặt tiền căn nhà, còn lối vào cỏ lát bao phủ; bên trong bị bong tróc, bụi bám lớp dày…

Nhà mới: Bỏ trống

Nói đến TĐC Thủ Thiêm, hoành tráng nhất phải kể đến khu TĐC 12.500 căn quận 2. Các lốc chung cư đua nhau mọc lên như nấm. Hiện nay, ngay mặt tiền đường Mai Chí Thọ, cụm chung cư do liên doanh Thuận Việt - Sacomreal đang xây dựng hối hả.

Một nghịch lý đang diễn ra, một mặt khẩn trương xây xong dự án mới nhưng thực tế những dự án đã xây dựng xong trước đây lại bỏ hoang, như trường hợp chung cư TĐC 1.080 căn do Công ty cổ phần Đức Khải xây dựng. Tháng 4-2015, khu TĐC Đức Khải bắt đầu đón những cư dân đầu tiên. Lúc đó, khi có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận nhiều hộ dân không giấu cảm xúc vui mừng được an cư lập nghiệp tại khu chung cư xây dựng hiện đại, lối kiến trúc đẹp mắt! Vào thời điểm đó, kế hoạch của quận 2 trước mắt sẽ bố trí 741 căn cho các hộ TĐC tại lô R7.


Một năm sau chúng tôi quay lại, chỉ có 252 căn hộ ở lô R7 có người ở, theo phỏng đoán của Ban Quản lý chung cư, số người TĐC “ở thật” chiếm 60%, còn lại cho thuê hoặc bán đổi chủ. Cư dân được bố trí tại 5 lốc chung cư, ở nhiều nhất là B, D, E, lốc A chỉ có 14 căn và lốc C là 18 căn. “Bố trí cư dân rải rác dẫn đến khó khăn trong vận hành tòa nhà, thiệt thòi cho quản lý, như lốc A chỉ có ngần ấy hộ nhưng phải thắp đèn sáng cho cả tòa nhà, vận hành thang máy; bố trí bảo vệ hay công nhân vệ sinh cũng phải có đầy đủ”, ông Lâm Công Nghệ, Trưởng ban Quản lý chung cư TĐC Đức Khải quận 2, cho biết. 

Không chỉ vậy, các tiện ích của tòa nhà dành cho cư dân lại chưa có. 30 kiosque nằm ở tầng trệt bao bọc quanh tòa nhà, hiện tại vẫn đóng cửa, chưa đưa vào khai thác; chợ búa, mua sắm, quán sá không có, dẫn đến sinh hoạt hết sức bất tiện! Đặc biệt, hiện nay lối đi chính vào khu dân cư chỉ có một lối duy nhất là… chui vào tầng hầm nhà xe lô D! Như vậy, sau một năm đi vào vận hành, chung cư TĐC Đức Khải còn trống tới 828 căn! Đáng lưu ý, theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2, nhu cầu TĐC của tất cả các dự án trên địa bàn quận chỉ còn 813 căn, tức là ít hơn số căn chung cư còn trống tại chung cư Đức Khải!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét